Thôi miên trị liệu có nguy hiểm không?
Các bạn thân mến,
Thôi miên là một cụm từ rất phổ biến trong xã hội, nhưng dường như mỗi khi nghe tới nó, chúng ta đều có một cảm giác rất "thần bí" và có gì đó rất "nguy hiểm". Có lẽ bởi số người thực sự tham gia trải nghiệm không nhiều, còn đa số chúng ta lại được biết về thôi miên thông qua phim ảnh và các câu chuyện, mà đa số trong đó, người bị thôi miên thường mất hoàn toàn ý thức và làm những chuyện rất kinh khủng như biến thành 1 người khác, hoặc nói ra những điều bí mật, vân vân...
Trên thực tế, thôi miên được áp dụng trong trị liệu tâm lý là một phương pháp hoàn toàn khoa học và tốt cho sức khoẻ lẫn tâm trí của bạn. Bản chất của thôi miên trị liệu là đưa tâm trí của bạn vào trạng thái thư giãn sâu, trong đó chúng ta sẽ gỡ bở hàng rào ý thức và tự do để cho những ký ức, cảm xúc vốn được chôn vùi, đè nén có cơ hội nổi lên. Thông qua những ký ức và cảm xúc đó, nhà trị liệu có thể giúp bạn nhìn nhận ra nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề tâm lý trong hiện tại và có cách tháo gỡ từ gốc rễ. Trong trạng thái thôi miên đó, những thông tin cũng được đi vào não bộ một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn việc tiếp nhận thông tin qua hàng rào ý thức, vì vậy phương pháp này được áp dụng cho các thân chủ muốn thay đổi các thói quen, suy nghĩ cũ tiêu cực đã ăn sâu vào tâm trí bằng các thói quen, suy nghĩ mới.
Trong trạng thái thôi miên này, bạn hoàn toàn làm chủ bản thân mình, và có thể rời khỏi việc thôi miên bất cứ khi nào bạn muốn. Vì vậy những "tin đồn" như: thôi miên khiến ta mất đi hoàn toàn ý thức, không làm chủ được bản thân, bị người khác khống chế, nói ra những bí mật mà mình không muốn nói, vân vân là hoàn toàn không chính xác. Đôi khi do thư giãn sâu bạn có thể rơi vào trạng thái ngủ, tuy nhiên bạn cũng sẽ thức dậy đơn thuần như bất kỳ một giấc ngủ ngắn nào.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng đã thường xuyên rơi vào trạng thái thôi miên mà mình không hề hay biết, ví dụ như khi bạn Khóc khi xem phim xúc động (tâm trí của bạn đang sống trong thước phim đó), hoặc khi bạn Làm một việc gì đó mà không hề có chủ ý của ý thức mà chỉ theo thói quen, sau đó mới nhận ra là mình vừa làm gì.
Thôi miên cũng có nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như Điểm cố định (nhìn vào con lắc, ngón tay...), Yêu cầu dồn dập (thường áp dụng trong tổ chức, quân đội... khiến thành viên bị cuốn vào hoạt động), thiền (thư giãn sâu)...
Thôi miên trị liệu bằng thư giãn sâu là một trong số những liệu pháp tâm lý học hiệu quả và phổ biến, được áp dụng rộng rãi trong nhiều vấn đề tâm lý khác nhau. Đặc biệt trải nghiệm thôi miên giúp chúng ta thư giãn và giải toả tâm trí, cảm xúc, rất tốt cho sức khoẻ tinh thần của bạn.